Banner2021
06:57 EDT Thứ năm, 28/03/2024
Rss

Trang nhất » HỘI ND-NB » SỨC KHỎE - ĐỜI SỐNG

Phòng bệnh khi thời tiết nồm ẩm

Thứ sáu - 10/02/2023 01:59

Hiện nay, thời tiết tại các tỉnh miền Bắc đang chuyển mùa với độ ẩm cao, nhiệt độ thấp, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, nấm mốc... phát triển mạnh khiến người dân dễ mắc bệnh, đặc biệt là người già và trẻ em. Trong đó, các bệnh thường gặp nhiều nhất liên quan đến thời tiết ở thời điểm này là bệnh về đường hô hấp.

Khám cho bệnh nhi tại Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh.

Khám cho bệnh nhi tại Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh.

Tại Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh, những ngày gần đây, số bệnh nhi đến khám tuy không tăng đột biến so với ngày thường, nhưng số bệnh nhi mắc các nhóm bệnh lý liên quan đến thời tiết như viêm phổi, tiểu phế quản, hen chiếm tỷ lệ cao hơn cả. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh cho biết: Trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng sức khỏe do thời tiết nhất. Đặc biệt với những trẻ có cơ địa dị ứng, bị hen phế quản rất dễ lên cơn hen do tác động của không khí ẩm, lại thêm tác nhân nấm mốc ở ngay trong nhà khiến cơn hen bùng phát. Khi trời nồm, trẻ có thể ra nhiều mồ hôi vào ban đêm nên sức đề kháng cũng kém hơn và dễ ốm. Vì vậy các phụ huynh cần để ý để lau mồ hôi cho trẻ kịp thời và mặc đồ thoáng mát, tránh tình trạng ủ ấm quá trẻ sẽ ra nhiều mồ hôi và thấm ngược lại vào cơ thể gây viêm phổi rất nguy hiểm.

Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Trong tháng 1 và những ngày đầu tháng 2/2023, công tác y tế dự phòng được tập trung triển khai đảm bảo kiểm soát được các bệnh dịch theo mùa. Ngành Y tế đã chủ động trong công tác giám sát dịch bệnh tại các bệnh viện và cộng đồng. Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác  phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023 và dịch bệnh mùa Đông Xuân. Phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng.

Trong tháng 1/2023, hầu hết các bệnh truyền nhiễm có số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2022. Một số bệnh có số trường hợp mắc tăng, cụ thể là: 804 trường hợp mắc cúm; 2 trường hợp mắc bệnh do vi rút Adeno; 1 trường hợp quai  bị; 5 trường hợp sốt xuất huyết; 16 trường hợp thủy đậu; 250 trường hợp tiêu chảy…

Tại các địa phương, các hoạt động y tế dự phòng-phòng, chống bệnh truyền nhiễm được đẩy mạnh. Theo đó, tiếp tục tăng cường công tác giám sát dịch bệnh COVID-19 tại các bệnh viện và cộng đồng. Tăng cường giám sát để phát hiện kịp thời các bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, sốt phát ban nghi sởi và ho gà tại các bệnh viện. Phối hợp với Trung tâm y tế các huyện, thành phố tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh truyền  nhiễm tại cộng đồng. Đẩy mạnh giám sát dựa vào sự kiện, đặc biệt là các dấu hiệu cảnh báo tại cộng đồng. Chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất để xử lý kịp thời khi có dịch xảy ra trên địa bàn... 

Phòng bệnh khi thời tiết nồm ẩm
Tiêm phòng các loại vắc xin đã có nhằm tăng hiệu quả phòng các bệnh dịch theo mùa.

 

Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Thời tiết nồm ẩm như những ngày qua và còn kéo dài trong thời gian tới tại miền Bắc là điều kiện rất thuận lợi để các bệnh lây truyền do vi rút gia tăng. Cụ thể, mưa phùn làm độ ẩm tăng cao, trong khi đó nhiệt độ lại không quá cao là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật phát triển. Ngoài ra, việc cường độ ánh sáng mặt trời thấp trong giai đoạn này cũng giúp vi sinh vật tồn tại lâu hơn, bởi ánh sáng mặt trời có tia UV sẽ giúp sát khuẩn. Theo đó, các bệnh lý thường gặp trong kiểu thời tiết này có thể kể đến như: bệnh hô hấp, bệnh lý do vi rút (sởi, quai bị…), bệnh ngoài da. 

Để phòng bệnh trong kiểu thời tiết cực đoan hiện nay, các gia đình cần lưu ý những nguyên tắc sau: Hạn chế tiếp xúc với mầm bệnh bằng cách hạn chế đến những nơi đông người, đeo khẩu trang là những cách phòng ngừa hiệu quả bệnh lây qua đường hô hấp. Do đó, vào những ngày có nắng, các gia đình nên mở cửa để ánh nắng có thể lọt vào nhà, giúp tiêu diệt mầm bệnh. Ngoài ra, các gia đình cần vệ sinh định kỳ các bề mặt trong không gian sống để loại trừ mầm bệnh. Bên cạnh đó, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh trong môi trường, cần tập thói quen vệ sinh tay trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh.

Biện pháp phòng bệnh quan trọng là tiêm vắc xin, bởi tiêm vắc xin là giải pháp hiệu quả để phòng ngừa các bệnh do vi rút đặc trưng vào mùa Đông Xuân. Những bệnh như: cúm, sởi, quai bị, thủy đậu, rubella đều có vắc xin phòng bệnh và đa số đã được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng, người dân nên thực hiện tiêm phòng với các bệnh đã có vắc xin. Riêng đối với bệnh thủy đậu và rubella, những người có nguy cơ cao nếu bị bệnh thì việc tiêm chủng là rất cần thiết. Như những sản phụ mang thai trong thời gian quý đầu nếu nhiễm vi rút rubella, thai nhi sẽ có nguy cơ bị dị dạng rất cao. Do đó, phụ nữ khi có ý định mang thai cần chủ động đi tiêm phòng. 

Cùng với đó, tăng khả năng tự bảo vệ của cơ thể. Sức đề kháng được hiểu là khả năng tự phòng vệ của cơ thể chống lại sự xâm nhập gây hại của các yếu tố bên ngoài như: vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng. Sức đề kháng cơ thể được tạo ra từ hệ thống miễn dịch với các tế bào miễn dịch đặc hiệu làm nhiệm vụ nhận biết, tiêu diệt tác nhân lạ. Để tăng sức đề kháng, chúng ta nên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như rau xanh, hoa quả vào bữa ăn hàng ngày, có phương pháp nghỉ ngơi, tập thể dục điều độ...

( Theo Báo Ninh Bình)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bài viết cũ hơn

 

LIÊN KẾT WEBSITE

CHƯƠNG TRÌNH HỢP TÁC

THƯ VIỆN ẢNH

THỜI TIẾT NINH BÌNH

HÔM NAY NGÀY MAI
oC - oC oC - oC
Độ ẩm:  Độ ẩm: 
Nguồn: TTKTTVTW

THỐNG KÊ TRUY NHẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 320

Máy chủ tìm kiếm : 16

Khách viếng thăm : 304


Hôm nayHôm nay : 33917

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1113216

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23343251