Trong 2 ngày 02,03/6/2020, tại huyện Kim Sơn, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình phối hợp với Công ty TNHH phát triển nông nghiệp Phương Nam tổ chức 03 hội nghị tập huấn “ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm, gốc rạ sau thu hoạch thành phân bón ngay tại ruộng”. Đến dự hội nghị có đồng chí Phạm Văn Hậu, UVBTV, Trưởng ban xây dựng hội, Hội Nông dân tỉnh, thường trực Hội Nông dân huyện Kim Sơn, lãnh đạo Công ty TNHH phát triển nông nghiệp Phương Nam cùng gần 500 cán bộ, hội viên nông dân thuộc các xã: Tân Thành, Yên Lộc, Hùng Tiến, Ân Hòa, Lai Thành và Định Hóa.
Tại hội nghị, Công ty TNHH phát triển nông nghiệp Phương Nam đã giới thiệu chế phẩm vi sinh Sumitri để xử lý rơm rạ thành phân bón ngay tại ruộng, làm thối hạt lúa ma, hạt cỏ dại, có tác dụng đẩy nhanh quá trình phân giải chất hữu cơ, thúc đẩy sự phát triển của hệ vi sinh vật có ích trong đất, hạn chế hoạt động của vi sinh vật có hại, làm giàu thêm hệ vi sinh vật tự nhiên. Qua đó góp phần cải tạo đất, nâng cao độ phì của đất một cách bền vững, tăng nguồn dinh dưỡng cho cây trồng, có thể giảm 30-50% lượng phân lân, 15 - 30% lượng phân đạm ở thời kỳ bón lót và bón thúc lần 1. Đối với cây rau màu, cây ăn quả khi bón chế phẩm Sumitri sẽ giúp cho bộ rễ cây khỏe mạnh, hạn chế được bệnh chết cây con, bệnh thối rễ.
Công ty TNHH phát triển nông nghiệp Phương Nam hướng dẫn 03 phương thức sử dụng chế phẩm vi sinh Sumitri: cách 1: Rải đều Sumitri trước khi cày xới; rơm rạ, hạt cỏ dại được trục vùi cùng rơm rạ. Ngâm nước 7 - 10 ngày, có thể xử lý triệt để lúa ma, hạt lúa rơi rớt từ vụ trước, hạt cỏ dại (cỏ lồng vực, cỏ gạo ..). Sau đó làm đất bình thường và cấy/sạ ngay. Cách 2: Rơm rạ được cày vùi và làm đất bình thường: Sumitri trộn với phân bón lót hoặc đất bột rải đều ra ngoài ruộng trước khi cấy/sạ. Cách 3: Khi không đủ thời gian làm 2 cách trên, có thể bón Sumitri sau khi cấy/sạ cùng với phân bón thúc lần thứ nhất hoặc sau khi cấy vài ngày. Trong điều kiện vụ mùa gấp về thời gian: không cần để thời gian cách ly giữa 2 vụ, mà có thể làm đất, xử lý Sumitri và cấy/sạ ngay, cây lúa không bị ngộ độc hữu cơ, rơm rạ sẽ được phân hủy thành phân bón sau khi xử lý Sumitri 7 - 15 ngày. Từ đó hội viên nông dân có thể áp dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ sau thu hoạch thành phân bón ngay tại mảnh ruộng của gia đình.
Nguyễn Hương