Cây cói đã tồn tại trên vùng đất Kim Sơn gần hai thế kỷ và gắn với hành trình quai đê lấn biển, các thế hệ người dân nơi đây đã tạo nên những cánh đồng cói mênh mông trên những bãi bồi. Đã từ lâu, cây cói còn được coi là biểu tượng của những con người lấn biển. Trước sóng gió, bão biển, nước mặn, chỉ cây cói là luôn trụ vững trước những thách thức của tự nhiên…
Về Kim Sơn mùa thu hoạch cói.
Cây cói mềm mại, óng ả, có vai trò là sợi nối giữa biển với bờ, giữa những con người cần cù, khỏe mạnh với thiên nhiên trù phú, bao la và còn là biểu tượng của những con người lấn biển.
Cói là nguyên liệu chính của nghề dệt chiếu Kim Sơn. Cây cói có chu kỳ sinh trưởng tựa cây lúa. Cói chiêm thu hoạch vào dịp tháng năm, tháng sáu, cói mùa vào dịp tháng mười (âm lịch).
Cói tươi thu hoạch về được chẻ nhỏ, phơi khô và đem ra chợ bán, rồi từ đó dệt thành chiếu hoa và các sản phẩm đạ dạng từ cói như: mũ, túi xách, làn, đồ trang trí, đồ lưu niệm…
Với khẩu hiệu "lúa lấn cói", "cói lấn sú vẹt", cây cói đã theo bước chân những người lấn biển trở thành cây công nghiệp tiên phong, mang đến giá trị kinh tế cao trên mảnh đất này.
Từ cây cói, sản phẩm mỹ nghệ Kim Sơn đã có mặt ở hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ảnh của Vũ Đức Phương Nguồn báo Ninh Bình điện tử