Cùng với việc triển khai thực hiện các biện pháp tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 của tỉnh, người làm du lịch ở xã Ninh Hải (Hoa Lư) cũng đang tích cực chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng đón khách trở lại.
Người làm du lịch ở xã Ninh Hải dọn dẹp, chỉnh trang cơ sở lưu trú, sẵn sàng đón khách trở lại.
Nhờ kiểm soát tốt dịch COVID-19, hiện Ninh Bình đã trở thành "vùng xanh" an toàn. Điều đó đồng nghĩa với việc ngành Du lịch của tỉnh có điều kiện để tái khởi động. Là một điểm du lịch có tiếng của tỉnh, Ninh Hải cũng đang "lên dây cót", nâng cao chất lượng dịch vụ, kiến tạo thêm những sản phẩm mới nhằm đem đến những trải nghiệm mới mẻ, bất ngờ cho du khách ngày trở lại.
Tranh thủ ngày nắng, gia đình anh Trịnh Văn Nam, chủ homestay Tam Coc Friendly huy động các thành viên dọn dẹp phòng ốc, sửa sang khu vệ sinh, thay nước bể bơi, cắt tỉa cây cối… Anh Nam chia sẻ: Mới đi vào hoạt động được 4 năm nhưng homestay của tôi đã mất gần 2 năm phải đóng cửa vì dịch, chưa hoàn được vốn, hơn nữa cơ sở vật chất không được sử dụng thường xuyên cũng nhanh xuống cấp. Vì vậy, khi tình hình dịch bệnh có những tín hiệu tích cực, chúng tôi đã bắt tay ngay vào việc tu sửa, tôn tạo cơ sở vật chất sẵn sàng các điều kiện để kích hoạt du lịch.
Sở dĩ anh Nam cũng như nhiều hộ làm homestay ở Ninh Hải có thể tự tin như vậy bởi hiện nay họ đều đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19, nhiều người tiêm đủ 2 mũi. Đồng thời, thời gian qua, chính quyền địa phương và người dân có kinh nghiệm, có ý thức tốt trong công tác phòng, chống dịch.
Anh Nguyễn Đức Tập, Chi hội trưởng Chi hội Nghề nghiệp du lịch cộng đồng phát triển bền vững xã Ninh Hải cho biết: Chúng tôi có 29 thành viên, phần lớn là các hộ làm homestay, trang trại, nhà hàng… đều đã "rục rịch" chuẩn bị đón khách. Để làm mới, chúng tôi đã bàn bạc, thống nhất xây dựng một tour mới, khép kín.
Trong đó, du khách sẽ được trải nghiệm sản phẩm du lịch khác nhau của các thành viên như: thư giãn, câu cá, thưởng thức các món ăn đồng quê tại trang trại; tìm hiểu, cùng làm nghề thêu với các thợ thủ công truyền thống; tham gia các chương trình văn hóa, văn nghệ cộng đồng.
Đang tham gia chuẩn bị cho tour du lịch này, một hộ làm nghề thêu trong Chi hội chia sẻ: các sản phẩm thêu đã góp phần làm nên thương hiệu của du lịch Tam Cốc. Nhiều khách du lịch thích thú ngắm nhìn các sản phẩm đã hoàn thiện như khăn tay, túi xách, váy, áo… hoặc quan sát những người phụ nữ thôn quê thêu thùa như một cách khám phá nét văn hóa truyền thống bản địa.
Thậm chí, không ít người muốn tự tay làm được những sản phẩm này. Còn chúng tôi, tất nhiên luôn sẵn sàng để giúp họ đến gần hơn với nghề thêu. Vậy là ý tưởng "dạy nghề" cho khách du lịch đã hình thành. Chi phí cho việc này không đáng kể. Khách du lịch sẽ vừa được hướng dẫn làm từng công đoạn thêu tay vừa trò chuyện về nghề.... Khi kết thúc trải nghiệm, khách sẽ mang theo sản phẩm do chính tay mình làm ra như một kỷ niệm trong chuyến hành trình về với vùng đất Hoa Lư.
Cần nhiều trợ lực
Ngành Du lịch nói chung và du lịch Ninh Hải nói riêng chịu tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19. Hơn lúc nào hết, việc phục hồi du lịch thời điểm này có ý nghĩa hết sức đặc biệt, không chỉ với doanh nghiệp, với địa phương mà còn tác động tới nhiều người dân. Song, từ mong muốn tới triển khai thực tế là câu chuyện không dễ dàng.
Khác với nhiều loại hình dịch vụ như ăn uống, giải trí…, việc đón khách du lịch cần phải có lộ trình và kết hợp nhịp nhàng giữa lưu trú, nhà hàng, dịch vụ vui chơi giải trí. Nhân lực lao động du lịch cũng đang rất khó khăn, vì dịch bệnh, lượng lớn người lao động đã về quê, chuyển ngành.
Bà Đinh Thị Mận, chủ Tam Coc West Lake homestay trăn trở: trước dịch, chúng tôi cần khoảng 10 lao động để phục vụ du khách lưu trú. Tuy nhiên, hiện nay, số lao động này đều đã đi làm tại các công ty trong khu công nghiệp. Để gọi họ trở lại thì cần đảm bảo công việc ổn định, lâu dài. Trong khi đó, dịch COVID-19 chưa hẹn ngày kết thúc, tất cả phải vừa làm vừa nghe ngóng. Vì vậy, trước mắt chúng tôi cũng chỉ tận dụng lao động sẵn có của gia đình.
Cũng như bà Mận, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn Ninh Hải còn e ngại về tính hiệu quả bởi để khởi động lại hoạt động kinh doanh cần một số vốn không nhỏ để tu sửa, chỉnh trang, làm mới dịch vụ trong khi số lượng khách chưa thể tăng vọt, doanh thu khó có thể bù lại chi phí.
Một số ý kiến đề nghị, để tái hoạt động du lịch hiệu quả, các ngành chức năng cần sớm xây dựng, thống nhất, ban hành tiêu chí, điều kiện đưa đón khách an toàn, quy trình đón khách giữa các địa phương… làm cơ sở để họ yên tâm hoạt động. Ngoài ra, họ cũng rất cần những trợ lực về vốn từ phía nhà nước.
Với tinh thần chung là an toàn tới đâu mở tới đó, tùy thuộc vào mỗi địa phương, song kỳ vọng với quyết tâm, sự nỗ lực chung tay của các địa phương, doanh nghiệp và mỗi người dân, du lịch Ninh Hải nói riêng, Ninh Bình nói chung sẽ nhanh chóng "rã băng", phục hồi.
Bài, ảnh: Phương Phương
Nguồn báo Ninh Bình điện tử
Bài viết mới hơn
Bài viết cũ hơn
|
Đang truy cập :
82
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 81
Hôm nay :
8626
Tháng hiện tại
: 19036
Tổng lượt truy cập : 19789420