Tôi đến thăm ông Phùng Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH vật tư nông nghiệp Hồng Quang (thị trấn Yên Ninh-Yên Khánh) vào buổi sáng một ngày đông rét ngọt.
Ông Phùng Văn Quang bên ruộng lúa giống do mình tạo ra.
Tôi hỏi ông về tấm giấy chứng nhận "Nhà khoa học của nhà nông" năm 2022, ông Quang thủng thẳng nói rằng: Mình làm được thì họ ghi nhận thôi, cũng không có gì to tát.
Với giọng điềm tĩnh, từ tốn, ông tiếp lời: Mấy chục năm qua, tôi và các anh em đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức, đánh đổi cũng nhiều, thất bại không biết bao nhiêu lần mà kể, để rồi tính đến thời điểm hiện tại, Công ty đã có được 4 bộ giống lúa bản quyền, là những giống lúa chủ lực, đặc sắc, hiệu quả kinh tế cao.
Trong đó, giống lúa nếp Hương và giống lúa chất lượng Hương Bình được chọn tạo từ nguồn vật liệu nhập nội, giống đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận lưu hành, đăng ký bảo hộ quyền tác giả; vùng công nhận lưu hành gồm các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Bên cạnh đó là 2 giống lúa: Lúa thuần chất lượng cao thế hệ mới QR1 và giống lúa DQ11 với những đặc tính ưu việt được khẳng định, đã nhanh chóng được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) công nhận đặc cách là giống chính thức cách đây gần 10 năm.
Có một điều thú vị trong câu chuyện ông Phùng Văn Quang được vinh danh "Nhà khoa học của nhà nông". Ông vốn xuất thân từ nông dân, nghề nông gắn chặt với gia đình ông nhiều đời, chính vì vậy ông thực sự là nông dân "đặc sệt". Tuổi thơ của ông gắn liền với vùng quê nghèo. Lớn lên đi bộ đội, xuất ngũ trở về quê hương năm 1980, trong tâm trí của người cựu chiến binh vẫn nung nấu với nghề nông mà không phải một nghề nào khác. Hướng đi ban đầu ông Quang chọn để "lập thân, lập nghiệp" chính là tiếp tục nghiệp nhà nông, bằng việc mở cửa hàng cung ứng vật tư nông nghiệp, chuyên cung ứng dịch vụ thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng cho nông dân Yên Khánh.
Làm ăn có uy tín, để đáp ứng nhu cầu của người dân, năm 1996 cửa hàng chuyển đổi thành doanh nghiệp và không lâu sau doanh nghiệp trở thành một đơn vị lớn, phát triển thành Công ty TNHH vật tư nông nghiệp Hồng Quang như hiện tại.
Trong câu chuyện với tôi, ông Quang không giấu giếm chia sẻ: Tôi không được học dù chỉ một ngày trong trường lớp kiến thức về nông nghiệp. Nhưng tôi có sự đam mê. Từ một người chuyên chỉ cung ứng vật tư nông nghiệp, tôi thấy nông dân mình cứ phải lệ thuộc vào nguồn giống nước ngoài, chứng kiến không ít trường hợp rủi ro xảy ra (lúa không hạt, ngô không bắp...) khiến nông dân khổ sở. Mà làm nông ai chả muốn thu nhập cao, muốn thu nhập cao thì trước tiên cây trồng phải có năng suất tốt, rồi thì chi phí thấp, chất lượng sản phẩm tốt, giá trị trường cao... Lúc nào tôi cũng chỉ nghĩ làm gì để giàu trên đồng ruộng của mình; làm thế nào để người nông dân bớt khổ, có thu nhập cao, có của ăn, của để… Rồi tôi quyết định đi làm giống lúa (nghiên cứu, lai tạo giống lúa mới).
Từ một người đơn thuần "đi buôn", chuyển sang làm "nhà khoa học" trong khi vốn liếng ít, kiến thức hàn lâm không có, nhưng có sự mạnh dạn, kiên định, thêm chút "liều", được các nhà khoa học trong nước giúp sức, ông Quang và cộng sự đã tạo ra được giống lúa mới cho nông dân.
Nói ông Quang "liều", vì là nông dân, làm khoa học kiểu nông dân, khởi nghiệp khoa học trong khi đất đai phải thuê trực tiếp của nông dân với cam kết trả sản phẩm gấp 1,2 lần của họ gieo cấy trên diện tích ấy, nhân công cũng thuê tất cả các công đoạn, vốn vay cũng không được ưu đãi, nếu chỉ thất bại một vụ thì bán tất cả tài sản cũng không đủ bù đắp thiệt hại.
"Thất bại là không tránh khỏi. Nhưng nếu sợ không làm nữa thì không bao giờ thành công. Có khi trưa nắng vỡ đầu, nghĩ ra vấn đề mà bỏ cả ăn, cả nghỉ, lao ra đồng. Rất may là anh em chúng tôi đã thành công. Từ năm 2004 đến nay, sau 10 năm hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học, tôi đã công bố 5 loại giống lúa thuần cho năng suất, chất lượng cao" - ông Quang bộc bạch.
Làm khoa học kiểu nông dân, cứ chọn tạo từ F1, F2 đến Fn; cho đến khi đạt các tiêu chí đề ra như ngắn ngày, chịu hạn, phòng chống sâu bệnh tốt, tính thích nghi rộng, phù hợp với nhiều loại đất, chịu thâm canh, năng suất cao, đặc biệt là chất lượng gạo ngon...
Xét về mặt trình tự hoạt động khảo nghiệm, sản xuất thử, công nhận và đặt tên giống cây trồng nông nghiệp mới, cách làm của ông Quang thực sự "khác người", chính vì vậy các bộ giống của ông được công nhận, đưa vào danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh đều thuộc diện "đặc cách".
Qua câu chuyện, tôi nhận thấy ông Quang rất tâm đắc với 2 giống lúa mới, chủ lực do mình tạo ra là giống lúa nếp Hương và giống lúa chất lượng Hương Bình. Ngỏ ý muốn ông chia sẻ thêm về 2 giống lúa này, ông Quang hào hứng cho biết: Giống lúa nếp Hương có thời gian sinh trưởng ngắn, thích hợp gieo cấy cả 2 vụ, chân đất vàn, vàn thấp, cứng cây, chống đổ khá tốt, chống chịu tốt với bệnh đạo ôn.
Vì vậy, gieo cấy lúa nếp Hương chi phí thuốc bảo vệ thực vật thấp, tiết kiệm chi phí; cho năng suất khá cao, vụ xuân đạt trung bình 70-75 tạ/ha, thâm canh cân đối, chân ruộng tốt đạt 8-8,5 tấn/ha. Đặc biệt, nếp Hương rất thích hợp cho chế biến tinh bột nếp, làm bánh và nấu rượu.
Theo nhận xét của các cơ sở nấu rượu, nếp Hương nấu rượu có tỷ lệ thu hồi rượu cao hơn các giống lúa khác. Còn giống lúa năng suất, chất lượng cao Hương Bình cũng thích hợp gieo cấy cả 2 vụ trong năm ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ, chân đất vàn, vàn thấp. Tỷ lệ gạo cao 67-68%, hạt gạo đẹp, trong gạo, cơm mềm, dẻo, đậm. Hương Bình chống chịu khá với bệnh đạo ôn, khô vằn; năng suất trung bình trên các chân đất ở vụ Đông Xuân đạt 7,5-8,5 tấn/ha.
Cũng theo ông Quang: Từ vụ Đông xuân năm 2021, Công ty Hồng Quang đã liên kết triển khai một loạt các điểm sản xuất từ khu vực Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ. Đâu đâu giống lúa nếp Hương và Hương Bình cũng bội thu, lúa thương phẩm 2 giống này được doanh nghiệp thu mua tươi với giá cao (từ 6-6,5 nghìn đồng/kg tùy loại) nên bà con nông dân vô cùng phấn khởi, vì vừa được mùa, vừa được giá, lại đỡ tốn công sức cũng như chi phí phơi sấy.
Theo cách tính của ông Quang: Với năng suất bình quân 8,5 - 10 tấn/ha lúa tươi, tính ra nông dân thu về trung bình 56-57 triệu đồng/ha, trừ chi phí nông dân thu lợi 25-26 triệu đồng/ha. Khép lại câu chuyện, ông Quang nói về triết lý kinh doanh và làm khoa học của mình: Làm gì thì làm, trước hết là làm lợi cho mình, nông dân có lợi, doanh nghiệp có lợi.
Chúng tôi người thật, việc thật, sống chết với ruộng đồng, cây lúa; nông dân tin tưởng, ủng hộ là mừng lắm. Lâu nay tôi ra đồng, để xe cả ngày ngoài đồng không ai động đến vì họ bảo nhau xe của bác Quang đấy! Phải thế nào mới được vậy chứ?
( Theo Báo Ninh Bình)
Bài viết mới hơn
Bài viết cũ hơn
|
Đang truy cập : 313
Hôm nay : 96939
Tháng hiện tại : 1190206
Tổng lượt truy cập : 43373807