Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được các cấp Hội Nông dân triển khai sâu rộng, tạo sức lan tỏa trên nhiều lĩnh vực, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia, trên địa bàn xã Liên Sơn đã xuất hiện nhiều hội viên năng động, sáng tạo, làm kinh tế có hiệu quả cao. Tiêu biểu là Hội viên Phạm Văn Hà -xóm 1 xã Liên Sơn với mô hình nuôi ong mật nội địa.
Nhờ lợi thế đất vườn rộng là khu vực có nguồn hoa dồi dào, năm 2013, ông Phạm Văn Hà đã học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn chuyển sang nghề nuôi ong lấy mật. Thời gian đầu, việc nuôi ong gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật, hiệu quả của mô hình chưa cao. Không nản chí, ngoài những kinh nghiệm tích lũy được, ông Hà tích cực học hỏi thêm kinh nghiệm qua sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, ông tham gia các lớp tập huấn nuôi ong để nâng cao kiến thức. Nhờ tinh thần không ngại khó, ngại khổ, linh hoạt vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình nuôi, đàn ong của gia đình ông Hà phát triển và sinh trưởng tốt.
Ông Hà cho biết: Để đàn ong khỏe mạnh cho năng suất, chất lượng mật cao, đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận của người nuôi. Tôi thường xuyên kiểm tra, vệ sinh thùng ong, để đảm bảo nơi ở của chúng luôn khô ráo, sạch sẽ, phòng tránh bệnh và các loại côn trùng gây hại cho ong. Tùy theo từng thời điểm, phải có biện pháp chống rét, chống nóng thích hợp cho đàn ong. Cũng theo chia sẻ của ông Hà, để ong cho mật nhiều, chất lượng tốt, ngoài nuôi tại vườn nhà, ông Hà còn di chuyển đàn ong đến nhiều địa điểm khác trong xã, nơi phong phú về nguồn hoa để ong có nguyên liệu làm mật.
Mùa thu hoạch ong diễn ra từ tháng 2 đến tháng 6 dương lịch, đây cũng là khoảng thời gian nhiều hoa nên lượng mật ong dồi dào nhất trong năm. Tuy nhiên, sản lượng mật khai thác được nhiều hay ít còn phụ thuộc vào hai yếu tố: thời tiết thuận lợi, trời nắng đẹp, mật hoa đặc, ong sẽ lấy mật nhanh và đàn ong phải khỏe mạnh, trong thùng đảm bảo có 8 - 10 cầu ong thì khai thác mật mới nhanh. Đến nay, mô hình của gia đình ông Phạm Văn Hà đang duy trì 60 đàn ong, mỗi năm thu về 450 - 500 lít mật, với giá bán ra thị trường từ 250.000 – 300.000 đồng/lít. Không chỉ phát triển nghề nuôi ong, ông Hà còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm cho những hộ nuôi ong trong và ngoài xã, nuôi 80 cặp chim bồ câu sinh sản, các loại chim cảnh, chó cảnh và cung ứng giống ốc nhồi cho bà con trong và ngoài huyện. Sau khi trừ chi phí, cơ sở nuôi ong và các dịch vụ của gia đình ông thu lãi trên 200 triệu đồng/năm. Hướng đến mục tiêu tạo dựng thương hiệu, ngoài việc chú trọng nâng cao giá trị mật ong nguyên chất, ông Hà cũng quan tâm thay đổi hình thức, quy cách đóng gói sản phẩm nhằm tạo sự chuyên nghiệp, đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các cửa hàng, siêu thị. Đặc biệt hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP tại tổ hội nông dân nuôi ong nội địa của địa phương.
Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình và những đóng góp vào phong trào của hội nông dân, ông Phạm Văn Hà được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, là tấm gương sáng cho các hội viên, nông dân và Nhân dân trên địa bàn xã Liên Sơn nói chung và hội viên nông dân trên địa bàn huyện nói chung học tập và làm theo.
Đinh Thị Thu Hiền
Phó Chủ tịch HND huyện Gia Viễn