Nhằm hỗ trợ hội viên liên kết phát triển kinh tế hộ theo lĩnh vực ngành nghề, thúc đẩy việc thành lập và phát triển các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, thời gian qua Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình triển khai các giải pháp cụ thể, trong đó việc ưu tiên nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cho các chi Hội nghề nghiệp, tổ Hội nghề nghiệp được vay phát triển sản xuất đã thực sự phát huy hiệu quả.
Hiện nay, tổng nguồn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt trên 42 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng 312 dự án với 1.616 hộ tham gia. Trong đó, đã giải ngân trên 10 tỷ đồng hỗ trợ cho 03 chi Hội nghề nghiệp và 31 tổ Hội nghề nghiệp (trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cơ khí, chế tác đá, mộc dân dụng, kinh doanh du lich cộng đồng.v.v…) được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất. Thành viên tham gia các chi Hội nghề nghiệp, tổ Hội nghề nghiệp được vay từ 30 - 100 triệu đồng/hộ để đầu tư vào sản xuất, tăng cường hỗ trợ, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm. Các chi Hội nghề nghiệp, tổ Hội nghề nghiệp được thành lập theo nguyên tắc “5 tự” (tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm) và “5 cùng” (cùng chí hướng về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm và cùng hưởng thụ), được nguồn vốn ưu đãi của Hội tiếp sức nên các thành viên tham gia rất phấn khởi, đoàn kết, hỗ trợ nhau vươn lên phát triển kinh tế. Đến nay, các chi Hội nghề nghiệp, tổ Hội nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đều hoạt động có hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hội viên, nhiều hộ trở thành các hộ khá, giàu.
Điển hình như: Tổ hội nghề nghiệp chế tác đá mỹ nghệ xã Ninh Vân (Hoa Lư) có 40 thành viên với tổng thu nhập sau khi trừ chi phí đạt từ 400 - 500 triệu đồng/năm, Chi Hội nghề nghiệp Du lịch cộng đồng phát triển bền vững xã Ninh Hải với 27 thành viên kinh doanh trong lĩnh vực du lịch cộng đồng, doanh thu có hộ đạt hơn 1 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân đạt 300 - 500 triệu đồng/hộ/năm. Tổ hội chăn nuôi xóm 7 xã Như Hòa, huyện Kim Sơn có 10 thành viên, doanh thu có hộ đạt trên 1 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng; Tổ hội nuôi dê xã Xích Thổ, huyện Nho Quan với 10 thành viên, quy mô chăn nuôi 240 con dê, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng đồng.v.v…
Bà Lương Thị Thịnh, tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp chế tác đá mỹ nghệ xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư) phấn khởi cho biết: Tổ hội nghề nghiệp chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân ban đầu thành lập có 30 hội viên. Sau khi được vay 1 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ HTND TW Hội, các thành viên mạnh dạn đầu tư mua máy móc, mở rộng nhà xưởng, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời tăng cường trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau về lao động, chia sẻ kinh nghiệm sử dụng hiệu quả đồng vốn và liên kết chặt chẽ trong tìm đầu ra cho sản phẩm, nhờ đó hiệu quả sản xuất kinh doanh tăng lên rõ rệt, tổng thu nhập sau khi trừ chi phí đạt từ 400 - 500 triệu đồng/năm, nhiều hộ thu nhập hàng tỷ đồng. Tổ Hội thu hút thêm thành viên, nâng tổng số lên 40 hộ”.
Là thành viên của chi Hội nghề nghiệp Du lịch cộng đồng phát triển bền vững xã Ninh Hải được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND, chị Đinh Thị Hiền mạnh dạn đầu tư nâng cấp khu Homestay của gia đình với cảnh quan đẹp mắt và nhiều dịch vụ tiện ích phục vụ du khách. Lại được các thành viên trong chi Hội nghề nghiệp thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, liên kết trong hoạt động đón tiếp khách nên cơ sở lưu trú của gia đình chị luôn nhận được sự hài lòng của khách du lịch trong và ngoài nước.
Đồng chí Đinh Hồng Thái, Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Nguồn vốn quỹ HTND đã trở thành chất xúc tác quan trọng trong việc thúc đẩy các chi Hội nghề nghiệp, tổ Hội nghề nghiệp được thành lập và phát triển trên địa bàn tỉnh. Chi Hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp ra đời với sự tự nguyện của đông đảo nông dân, là nơi trao đổi, giao lưu, học hỏi lẫn nhau trong làm ăn, đồng thời làm điểm tựa vững chắc trong việc tiêu thụ nông sản, liên kết trong sản xuất kinh doanh. Đây là tiền đề quan trọng hướng tới thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng trong việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Phạm Hường