Hen là tình trạng viêm mạn tính đường hô hấp gây gánh nặng bệnh tật, giảm tuổi thọ và giảm chất lượng cuộc sống. Đây là bệnh mạn tính, không thể chữa khỏi, tuy nhiên có thể điều trị dự phòng, kiểm soát cơn hen tối đa bằng chính sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân.
Bệnh Hen phế quản có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng trên thực tế, bệnh thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới, đặc biệt là nhóm trẻ nhiều hơn người cao tuổi.
Những tác nhân có thể dẫn tới bệnh hen bao gồm yếu tố môi trường: Khói, khí bụi, hoá chất, phấn hoa. Bên cạnh đó, các tác nhân khác dễ gây dị ứng như tôm, cua, các yếu tố gắng sức cũng có thể gây nên những cơn hen phế quản. Trong cơn hen phế quản có sự co thắt cơ trơn phế quản và viêm đường thở, lòng phế quản bị phù nề, dày lên, hẹp cả đường kính trong và ngoài, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng khò khè, khó thở.
Nếu không được phát hiện và điều trị bệnh sớm có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, giảm chức năng của hệ hô hấp gây ra tình trạng xẹp phổi, nhiễm khuẩn phế quản,tràn khí màng phổi hoặc suy hô hấp. Vì vậy sớm phát hiện các dấu hiệu bệnh, thực hiện đo chức năng hô hấp, hoặc dựa vào triệu chứng lâm sàng, theo dõi, đánh giá phân bậc hen theo tần suất xuất hiện cơn hen, người bệnh sẽ được bác sỹ đưa ra phác đồ điều trị cụ thể giúp kiểm soát cơ hen tối đa.
Phương pháp điều trị bác sỹ CKI Vũ Thị Bích Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Ninh Bình khuyến cáo: Với Hen phế quản người bệnh dùng các thuốc xịt, hít, thuốc có corticoit và thuốc giãn phế quản kéo dài. Hai thuốc này phối hợp trên một bình hít và có thể sử dụng thường xuyên, hàng ngày tùy theo mức độ của bệnh. Hen bậc 1, bậc 2: thường chỉ sử dụng thuốc corticoit và thuốc giãn phế quản kéo dài cùng trên một bình hít và chúng ta sử dụng liều thấp khi cần. Hen bậc 3, bậc 4, bậc 5 phải sử dụng liều trung bình, liều cao và khi cần có thể sử dụng thêm thuốc giãn phế quản kéo dài. Đối với bệnh hen thì ngoài điều trị dự phòng cần phải xem bệnh nhân có các bệnh kèm theo như viêm mũi viêm xoang, trào ngược dạ dày thực quản ... để có phương pháp phối hợp dùng thuốc đạt hiệu quả cao hơn.
Bên cạnh việc điều trị tích cực, bệnh nhân cũng nên hình thành những thói quen sinh hoạt điều độ và lành mạnh để tăng cường sức khỏe, duy trì luyện tập thể dục thể thao hàng ngày, tập thở kết hợp với chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng.
Đặc biệt cần tránh tiếp xúc với bụi bẩn, khói thuốc hoặc các tác nhân dị ứng khác để hạn chế sự phát triển của bệnh, tránh tái phát. Ngoài ra khi thời tiết lạnh phải giữ ấm cổ, ngực, không được dùng nước lạnh, tránh gây cơn hen cấp. Mỗi năm nên tiêm phòng cúm một lần. 5 năm nên tiêm phòng phế cầu một lần để hạn chế được các bội nhiễm cũng như nhiễm các loại virut khác có thể gây nên những cơn hen cấp.
Cẩm Ninh (nbtv.vn)
Bài viết mới hơn
Bài viết cũ hơn
|
Đang truy cập :
33
Hôm nay :
5708
Tháng hiện tại
: 286420
Tổng lượt truy cập : 19712196