Trong những năm gần đây diện tích cây khoai tây vụ đông trên địa tỉnh Nam Định có xu hướng giảm do lao động tập trung vào các khu công nghiệp, chi phí đầu vào cao, giá nông sản bấp bênh. Một trong những giải pháp để khắc phục tình trạng trên là liên kết nhiều hộ nông dân trên cùng cánh đồng để sản xuất cùng một giống, cùng quy trình canh tác, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật và liên kết người sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.
Áp dụng cơ giới hóa và liên kết tiêu thụ sản phẩm là giải pháp giúp nâng cao hiệu quả sản xuất
Mô hình có quy mô 10 ha, sử dụng giống khoai tây Marabel do 110 hộ nông dân tham gia thực hiện. Địa bàn triển khai là địa phương có truyền thống trồng cây màu và cây vụ đông. Người nông dân hăng hái trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp.
Thời tiết đầu vụ Đông 2020 mưa nhiều ảnh hưởng đến tiến độ trồng, bệnh héo xanh vi khuẩn cao hơn những năm trước. Tuy nhiên do dự án sử dụng nguồn giống có phẩm cấp chất lượng cao, cán bộ kỹ thuật phối hợp chặt chẽ với cán bộ địa phương chỉ đạo, hướng dẫn người dân kịp thời nên mô hình sinh trưởng và phát triển tốt. Năng suất mô hình đạt 22,5 tấn/ha. Mô hình được HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Yên Nhân ký kết với công ty TNHH Giống và Sản phẩm cây có củ Ngọc Hồi bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá 8.000 đồng/kg. Tính sơ bộ, mỗi hecta khoai tây trong mô hình cho tổng thu là 180.000.000 đồng, cao hơn sản xuất đại trà tại địa phương 45.400.000 đồng, tương ứng 61,5%. Với diện tích triển khai 10 ha, mô hình đã mang lại lợi nhuận 1,8 tỷ đồng.
Tại hội nghị tổng kết mô hình, các đại biểu đánh giá cao kết quả triển khai mô hình cũng như hướng liên kết trong khâu tổ chức sản xuất cây trồng vụ đông tại địa phương. Các ý kiến đều nhấn mạnh mô hình cần được khuyến cáo, nhân rộng trong các năm tiếp theo tại các địa phương có truyền thống trồng khoai tây trên địa bàn huyện, tỉnh.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Yên Nhân cho biết: Xã Yên Nhân có 140 ha khoai tây nên sản lượng hàng năm rất lớn. Nếu không có liên kết đầu ra thì người sản xuất luôn bị tư thương ép giá và người sản xuất vẫn là thiệt thòi nhất. Mặt khác hiện nay nguồn lao động tại địa phương rất thiếu hụt do tập trung chủ yếu tại các khu công nghiệp. Để phát triển khoai tây bền vững ngoài việc sử dụng giống chất lượng cao, thâm canh đúng quy trình, cần phải áp dụng cơ giới hóa vào các khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Trong thời gian tới mô hình sẽ được các địa phương trên địa bàn huyện tiếp tục mở rộng do đúng xu thế, đáp ứng được yêu cầu của người nông dân.
Hoàng Tuyển Phương
Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông (Cetdae)
Bài viết mới hơn
Bài viết cũ hơn
|
Đang truy cập :
87
Hôm nay :
10062
Tháng hiện tại
: 319206
Tổng lượt truy cập : 19744982