Với mong muốn lưu giữ và phát triển nghề làm bánh đa truyền thống của gia đình, những năm gần đây ông Trần Văn Lập, xóm 3, thôn Đào Lâm, xã Gia Thắng (Gia Viễn) đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại nhằm mở rộng sản xuất, phát triển thương hiệu bánh đa làng Điềm Giang.
Người lao động tất bật đóng gói thành phẩm trước khi xuất bán.
Ở một góc khác, một nhóm đang nhanh tay hoàn thành công đoạn cuối cùng của sản phẩm, là nướng bánh. Cả không gian phảng phất một mùi thơm bùi của bánh đã nướng nóng hổi, như hương vị của hạt gạo rang.
Nắng sớm hanh hao, tiếng bánh đa nổ giòn tanh tách, cùng tiếng cười nói của những người làm bánh, tạo ra một thứ âm thanh ngọt ngào của cuộc sống. Nghe chủ cơ sở bánh đa - ông Trần Văn Lập nói, bánh đa ở đây phải phơi được nắng, hong dưới tiết trời khô ráo mới thực sự đúng chất và tạo ra hương vị thơm ngon.
Tò mò về thương hiệu bánh đa Điềm Giang, ông Lập giải thích: các cụ trong vùng xưa có nghề làm bánh đa canh, sau này nắm bắt nhu cầu thị trường ông chuyển sang làm bánh đa vừng. Cái tên Điềm Giang là tên cổ của làng, trước đây người ta gọi là làng Điềm.
Chia sẻ về quá trình làm nghề, nếu so sánh trước kia đã có rất nhiều thay đổi tích cực, cả về phương thức sản xuất, quy mô, thu nhập và nhân công.
Về cơ bản, làm bánh đa trước tiên phải ngâm gạo, thêm chút muối làm gia vị, rồi đem xay thật mịn. Tiếp đến là tráng bánh, phơi khô và thu về bánh nhiên liệu, khi sử dụng sẽ nướng bánh lên. Nếu làm thủ công thì từ khâu ngâm gạo, xay, giã mất nhiều công sức và thời gian nhưng hiệu quả kém, mỗi ngày chỉ làm được khoảng 50 - 70 kg gạo.
Ngày nay, khi kĩ thuật và công nghệ đã gắn liền với nghề nông, cuộc sống của người dân được cải thiện nhiều. Việc cơ giới hóa, hiện đại hóa những cỗ máy siêu năng vào sản xuất mang lại nguồn lợi lớn cho những chủ cơ sở như ông Lập. Vì thế, ông Lập mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng vào các loại máy từ máy cẩu gạo, máy bơm, máy xay bột, máy nghiền, máy sấy…giúp tăng hiệu suất gấp 10 lần so với làm thủ công, tiết kiệm chi phí, tránh được sự chi phối từ điều kiện thời tiết.
Đến nay, cơ sở sản xuất bánh đa Điềm Giang đã đi vào hoạt động ổn định, mỗi ngày xưởng làm ra từ 6 - 8 nghìn túi bánh, tương đương mỗi tháng đưa vào thị trường 5 - 6 tấn bánh, thu về hàng trăm triệu đồng.
Ông Lập chia sẻ, cơ sở luôn định hướng phát triển bánh đa sạch, đảm bảo vệ sinh ATTP, hướng tới đăng kí sản phẩm đạt OCOP. Vì vậy, mọi công đoạn từ nguồn nước, nhập gạo, nhập vừng, làm sạch máy móc, sân phơi… đều được quản lý chặt chẽ.
Với phương châm "làm nghề để giữ nghề, làm nghề bằng trách nhiệm", ông Lập luôn lắng nghe phản hồi từ khách hàng. Bánh đa làng Điềm khi đưa vào thị trường phải đảm bảo nguyên vẹn, không vỡ nát, màu bánh vàng đều, mùi thơm bùi. Nhờ làm nghề có tâm, hiện nay, sản phẩm của cơ sở đã có mặt trên khắp các huyện, xã trên địa bản tỉnh, đi vào các điểm du lịch, trạm dừng nghỉ, các đại lí, nhà hàng, mở rộng thị trường sang các tỉnh như Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa…
Khi vào mùa du lịch, lượng khách đặt hàng tăng cao, bánh sản xuất hết công suất mới đủ đáp ứng nhu cầu của khách. "Nghề này được cái khá ổn định dù có hơi vất vả, những ngày dịch dã hay thay đổi mùa cũng không bị ảnh hưởng nhiều". Ông Lập cho biết.
Do yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao nên bánh đa Điềm Giang cần đổi mới để phù hợp với nhu cầu và thị hiếu. Cơ sở của ông Lập bắt đầu hình thành thương hiệu cá nhân, chú trọng hơn trong khâu đóng gói thành phẩm xuất đi.
Mới đây, với sự hỗ trợ của Hội Nông dân và các ngành chức năng, sản phẩm bánh đa Điềm Giang của gia đình ông đã được cấp giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm và tem truy xuất nguồn gốc.
Trên mỗi gói bánh đa đều có ghi rõ tên xưởng và có mã quét QR, để người tiêu dùng hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng sản phẩm.
Trải qua nhiều năm xây dựng và phát triển, ông Trần Văn Lập được công nhận đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, bánh đa Điềm Giang trở thành một thương hiệu uy tín, là thức quà quê đáng quý có mặt ở nhiều nơi. Đó là những nỗ lực của người nông dân vượt khó vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, là mô hình kinh tế nổi bật của xã Gia Thắng.
Bài, ảnh: Lan Anh
(Báo Ninh Bình)
Bài viết mới hơn
Bài viết cũ hơn
|
Đang truy cập : 335
•Máy chủ tìm kiếm : 3
•Khách viếng thăm : 332
Hôm nay : 92263
Tháng hiện tại : 1319848
Tổng lượt truy cập : 37923172