Chuyển đổi số vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân
- Thứ tư - 25/01/2023 07:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngày 20/4/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01 về xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, tỉnh Ninh Bình xác định: Việc thực hiện chuyển đổi số được tập trung đẩy mạnh trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Cả 3 trụ cột này đều hướng tới người dân, trong đó xây dựng chính quyền số là để phục vụ người dân tốt hơn, kinh tế số là để người dân giàu hơn và xã hội số là để người dân hạnh phúc hơn.
Trong quá trình triển khai, tỉnh yêu cầu chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm, phát huy vai trò của doanh nghiệp, hình thành văn hóa số. Với quan điểm "lấy người dân làm trung tâm của quá trình chuyển đổi số", tỉnh đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi số trong các hoạt động, đời sống thường ngày, đem đến tiện ích thiết thực để người dân thấy cần phải làm, muốn làm và có thể làm được.
Để tăng cường khả năng tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền, tỉnh đã tập trung phát triển, cung cấp các ứng dụng, dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, 100% các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã đã ứng dụng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành vào công tác chỉ đạo, điều hành và gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong tỉnh, liên thông với các bộ, ngành Trung ương qua trục liên thông văn bản quốc gia.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được triển khai và duy trì cung cấp hoạt động ổn định với tổng số 2.157 dịch vụ công, trong đó có 298 dịch vụ mức độ 3 (chiếm 13,8%) và 1.288 dịch vụ mức độ 4 (59,7%); có 1.315 dịch vụ công mức độ 3, 4 đã được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia (đạt 83%). Hiện tỷ lệ gửi nhận, ký số văn bản điện tử, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng đạt 100%.
Việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí.
Cũng với quan điểm lấy người dân làm trung tâm và chuyển đổi số nhằm đem đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực hỗ trợ người dân tiếp cận thương mại điện tử thông qua việc đưa một số sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử.
Trong các trường học triển khai phần mềm quản lý thư viện, tuyển sinh đầu cấp và hệ thống thanh toán không tiền mặt. Nhiều địa phương đã triển khai hệ thống camera an ninh nhằm hỗ trợ tích cực cho công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh và huyện ứng dụng bệnh án điện tử, từng bước hướng đến bệnh viện thông minh, y tế thông minh.
Ngoài ra, tại nhiều địa phương trong tỉnh đã kết hợp cơ giới hóa và tự động hóa trên đồng ruộng, sử dụng công nghệ quan trắc trên đồng ruộng để tự động đo đạc và báo cáo các chỉ số môi trường; tự động trong điều khiển, theo dõi và quản lý đồng ruộng, nhờ đó giúp nông dân giảm rủi ro, tăng năng suất, tiết kiệm chi phí sản xuất.
Người dân được trải nghiệm những tiện ích từ chuyển đổi số
Nhờ bắt nhịp xu hướng, người dân trong tỉnh đang dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số và trải nghiệm những tiện ích mà chuyển đổi số mang lại.
Ông Nguyễn Văn An, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Trung Tâm, xã Đồng Phong (Nho Quan) cho biết: Toàn thôn hiện có 136 hộ, đa phần là các hộ sản xuất nông nghiệp, cán bộ, công chức nghỉ hưu, còn lại là các hộ lao động tự do. Số lượng người đi làm ăn xa của thôn chiếm tương đối lớn, khoảng 18,5% tổng số lao động trong toàn thôn. Trước đây, mỗi lần phải thông báo sinh hoạt dân cư, sinh hoạt chi bộ, các đồng chí cấp ủy, trưởng thôn thường phải đến tận nhà hộ dân thông báo, rất mất thời gian, nhiều khi còn để sót đối tượng được thông báo. Nay thì mọi chuyện đã khác, từ ngày thành lập Tổ công nghệ cộng đồng, việc tiếp cận thông tin của bà con đã nhanh chóng hơn nhờ có nhóm Zalo, Facebook của thôn.
Sự tương tác này cũng giúp cho các thông tin chỉ đạo điều hành của chi bộ, chính quyền thôn được nhanh chóng và phổ quát đến các hộ dân. Người đi làm ăn xa cũng kịp thời nắm bắt được các thông tin chỉ đạo, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của các cấp chính quyền địa phương, từ đó tích cực tham gia đóng góp, hiến công, hiến kế xây dựng quê hương.
"Chuyển đổi số đã giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận thông tin dịch vụ"- ông An nói. Có thể nói, chuyển đổi số đã và đang mang lại những tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống.
Chị Lê Thị Nhẫn, phố Cổ Đà, thị trấn Yên Thịnh (Yên Mô) cho biết: Được tuyên truyền về chuyển đổi số, tôi đã biết đến nhiều hơn những tiện ích từ công nghệ, đó là những tiện ích khi thanh toán không dùng tiền mặt; là những kênh thông tin đa dạng, nhiều chiều từ các lớp học của con; là sự minh bạch thông tin từ phía chính quyền địa phương về các dự án giải phóng mặt bằng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thông qua trang thông tin điện tử… Mặt khác, tôi nhận thấy thực hiện chuyển đổi số, chính quyền thị trấn đã tăng cường lắp đặt hệ thống camera an ninh tại trụ sở UBND, điều này tạo sự minh bạch, nâng cao ý thức của người dân cũng như đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Một trong những tiện ích từ chuyển đổi số mà nhiều người dân có thể cảm nhận một cách rõ ràng nhất, đó chính là những tác động đến từ "kinh tế số". Trong đó, hoạt động thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử đã giúp người dân, các cơ sở sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.
Chị Trịnh Thị Hòa, thành viên HTX Sản xuất và Tiêu thụ dược liệu Yên Sơn (thành phố Tam Điệp) chia sẻ: Nhờ có sự hỗ trợ giao dịch đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) mà các sản phẩm của HTX được tiêu thụ khắp thị trường trong toàn quốc. Việc đưa nông sản lên sàn TMĐT cũng giúp các thành viên HTX thay đổi cách thức quản lý và phương thức bán hàng. Nhờ đó, sản phẩm tiêu thụ khá ổn định, góp phần tăng doanh thu và xây dựng thương hiệu sản phẩm của HTX.
Khi được trải nghiệm những tiện ích từ chuyển đổi số, nhiều người dân đã chủ động và tích cực tham gia vào hoạt động chuyển đổi số và ở đó, người dân không chỉ là trung tâm mà còn tạo ra động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh. Năm 2021, tỉnh Ninh Bình đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số (tăng 2 bậc so với năm 2020). Đây là tiền đề quan trọng để thời gian tới Ninh Bình thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi lĩnh vực nhằm đạt mục tiêu cuối cùng là vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Việc thực hiện chuyển đổi số được tập trung đẩy mạnh trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Cả 3 trụ cột này đều hướng tới người dân, trong đó xây dựng chính quyền số là để phục vụ người dân tốt hơn, kinh tế số là để người dân giàu hơn và xã hội số là để người dân hạnh phúc hơn. Trong quá trình triển khai, tỉnh yêu cầu chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm, phát huy vai trò của doanh nghiệp, hình thành văn hóa số.
( Theo Báo Ninh Bình)