Hỗ trợ nông dân bắt nhịp chuyển đổi số
- Thứ hai - 17/10/2022 08:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trước thực tế đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng và ban hành Đề án "Chuyển đổi số trong hoạt động của Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2025". Mục tiêu của Đề án là nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, từ đó thúc đẩy việc áp dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện Đề án cũng sẽ góp phần thay đổi cách quản lý, điều hành của các cấp Hội trong tỉnh; thay đổi cách thức sản xuất, chế biến và tiêu thụ các mặt hàng nông sản của hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, hội viên nông dân. Triển khai thực hiện Đề án, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, trang bị các kỹ năng, năng lực thực hành giúp hội viên, nông dân hiểu được vai trò và sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời tích cực vận động nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đi đầu trong lĩnh vực ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; giới thiệu các mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn đã và đang triển khai thành công tại một số địa phương tới hội viên, nông dân trong tỉnh.
Đặc biệt, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Đây được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp nông dân nhanh chóng tiếp cận với chuyển đổi số.
Theo đó, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức 3 hội nghị tập huấn giới thiệu sàn thương mại điện tử (TMĐT) postmart.vn và lợi ích của bà con khi đưa sản phẩm lên sàn TMĐT cho 537 cán bộ, hội viên; hỗ trợ và hướng dẫn 242 hộ nông dân tạo tài khoản mua, bán hàng trên sàn TMĐT.
Đến nay đã có gần 100 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được đưa lên sàn TMĐT. Việc đưa nông sản lên sàn TMĐT đã tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm tiềm năng của các địa phương. Với sự trợ giúp tích cực của các cấp Hội Nông dân cùng sự năng động, dám nghĩ, dám làm của nông dân, đến nay, nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh đã sử dụng sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn (thành phố Tam Điệp) là một trong những đơn vị khá thành công từ phương thức bán hàng này.
Chị Trịnh Thị Hòa, thành viên HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn chia sẻ: Nhờ có sàn TMĐT các sản phẩm của HTX được tiêu thụ trong toàn quốc. Việc đưa nông sản lên sàn TMĐT cũng giúp các thành viên HTX thay đổi cách thức quản lý và phương thức bán hàng. Ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chúng tôi chú trọng hơn đến việc thiết kế bao bì, quy cách đóng gói sản phẩm bắt mắt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Nhờ đó, sản phẩm tiêu thụ khá ổn định. Từ đầu năm đến nay, HTX đã đưa ra thị trường gần 2 tấn bột nghệ, viên bột nghệ các loại và các sản phẩm chế biến từ cây dược liệu, góp phần tăng doanh thu và xây dựng thương hiệu sản phẩm của HTX.
Cùng với hỗ trợ nông dân đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tập trung phổ biến, nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp, về tầm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Trong năm qua, Hội Nông dân tỉnh phối hợp hỗ trợ trao hơn 250.000 tem truy xuất nguồn gốc; xây dựng 18 mô hình ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất nông nghiệp, tiêu biểu là các mô hình: sản xuất rau theo hướng hữu cơ ứng dụng CNC; nuôi tôm thâm canh ứng dụng CNC tại vùng ven biển huyện Kim Sơn; trồng bưởi ứng dụng CNC; mô hình trồng đào áp dụng công nghệ tưới, tiêu tiết kiệm nước; nuôi dê núi theo chuỗi giá trị; các mô hình nuôi trồng thủy sản, trồng rau, củ, quả trong nhà lưới có hệ thống tưới tự động...
Các hoạt động này đã và đang tạo ra độ tin cậy cho người tiêu dùng về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở cung cấp nông sản sạch và hàng hóa đạt chất lượng cao trên địa bàn tỉnh. Thành công bước đầu trong thực hiện Đề án "Chuyển đổi số trong hoạt động của Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2025" đã tạo tiền đề quan trọng để thời gian tới các cấp Hội Nông dân tiếp tục triển khai nhiều hơn nữa các hoạt động đồng hành, giúp nông dân thích ứng với chuyển đổi số, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Bài, ảnh: Mai Lan
( Báo Ninh Bình)