Từ ngày 19 - 29/9, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình tổ chức 04 lớp tập huấn tổng quan và kỹ thuật nuôi sâu canxicho gần 100 nông dân thuộc 3 huyện Yên Khánh, Gia Viễn, Nho Quan tham gia Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế".
Tại các lớp tập huấn, hội viên nông dân các xã Thạch Bình, Quỳnh Lưu, thị trấn Nho Quan (huyện Nho Quan); Gia Hòa, Gia Thịnh, Gia Phú (huyện Gia Viễn); Khánh Công, Khánh Hòa, Yên Ninh (huyện Yên Khánh) được các Giảng viên nguồn TOT của Hội Nông dân tỉnh, huyện, xã trực tiếp trao đổi các kiến thức và quy trình kỹ thuật nuôi sâu canxi. Nuôi sâu canxi giúp người nông dân giải quyết các vấn đề trong chăn nuôi và trồng trọt như: Sâu canxi ăn một lượng lớn chất thải hữu cơ như phân vật nuôi, thức ăn thừa - là “chất thải” gây ô nhiễm thành thức ăn chăn nuôi chất lượng cao, giàu đạm và dinh dưỡng; Sâu canxi chứa nhiều chất béo, canxi, các khoáng chất và các vitamin thiết yếu cho sự phát triển khỏe mạnh của vật nuôi; giảm tỷ lệ vật nuôi mắc bệnh; sau khi ủ, phân sâu canxi là chất cải tạo đất hiệu quả và là phân bón tốt cho cây trồng.
Quang cảnh buổi tập huấn Kỹ thuật nuôi sâu canxi gồm 05 bước đơn giản, cụ thể: 1. Chuẩn bị chuồng nuôi bằng thùng sinh học hoặc xây bể xi măng ở nơi mát mẻ khoảng 24 - 30o, thông gió tốt. 2. Chuẩn bị giống (trứng sâu canxi). 3. Bổ sung thức ăn (bằng phân vật nuôi hoặc thức ăn thừa) và theo dõi. 4. Kiểm tra độ ẩm và nhiệt độ thường xuyên. 5. Thu hoạch sâu canxi. Nông dân có thể dùng sâu canxi tươi thay thế 15% lượng cám công nghiệp phơi/rang khô sâu canxi dự trữ tối đa 3-6 tháng mà không giảm chất lượng. Nông dân có thể áp dụng các bước kỹ thuật nhân giống sâu canxi để tự sản xuất trứng ruồi lính đen.
Sau lớp tập huấn, các học viên thực hiện cam kết áp dụng kỹ thuật nuôi sâu canxi để vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm, vừa tạo thức ăn dinh dưỡng cho vật nuôi và nguồn phân hữu cơ chất lượng cao, góp phần cải thiện hoạt động chăn nuôi, trồng trọt của các hộ nông dân.
Huy Hoàng