Năm 2016, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã chỉ ra rằng 78 triệu tấn nhựa được sản xuất hàng năm và trong đó chỉ 14% được tái chế và 32% bị rò rỉ ra môi trường. Hơn nữa, một con số đáng lo ngại được cảnh báo năm 2014, tỷ lệ cá so với nhựa là 5:1. Họ dự đoán rằng vào năm 2050, tỷ lệ này sẽ là 1:1. Khi ấy trong lưới của ngư dân kéo lên, chỉ có một nửa là cá, một nửa là rác thải nhựa. Viễn cảnh này chỉ nghĩ đến thôi đã thấy thật đáng nguy hiểm.
Tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa với tốc độ nhanh cũng như thay đổi lối sống ở Việt Nam đã dẫn đến cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa. Ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền hàng năm ở Việt Nam. Ít nhất 10% trong số chất thải chưa được quản lý tốt này bị rò rỉ vào môi trường nước, khiến Việt Nam trở thành một trong năm nước gây ô nhiễm nhựa trên đại dương hàng đầu trên thế giới với 1.8 triệu tấn mỗi năm. Khối lượng rò rỉ có thể tăng gấp đôi vào năm 2030 theo kịch bản thông thường.
Báo cáo phân tích ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam xác định các nguồn và con đường gây ô nhiễm nhựa ở Việt Nam. Dựa trên các cuộc điều tra thực địa, báo cáo phát hiện rằng:
- Chất thải nhựa chiếm phần lớn lượng chất thải được tìm thấy ở các khu vực ven sông và ven biển, chiếm 94% tổng lượng rác thải và 71% trọng lượng.
- Mười loại nhựa phổ biến nhất chiếm hơn 80% tổng lượng rác thải nhựa rò rỉ vào đường thủy.
- Hơn 60% các loại rác thải nhựa là nhựa dùng một lần.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, các chuyên gia nhận định, riêng đối với sản xuất lúa, trung bình thải ra khoảng 1-1,5kg chất thải nhựa/ha/năm, còn đối với rau màu thì lượng chất thải nhựa từ vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật cao hơn, gấp 2-3 lần trồng lúa.Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia, tổng lượng chất thải rắn (bao gồm chất thải nhựa) phát sinh từ trồng trọt hiện khoảng 661,5 nghìn tấn/năm (gồm 550 nghìn tấn nilon, 77,49 nghìn tấn vỏ bao bì phân bón và 33,98 nghìn tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật). Chất thải rắn phát sinh từ chăn nuôi là 67,93 triệu tấn, trong đó riêng chất thải nhựa 77 nghìn tấn từ vỏ bao bì thức ăn chăn nuôi. Chất thải rắn từ nuôi trồng thủy sản là 880 nghìn tấn bùn thải và 273 nghìn tấn chất thải từ bao bì thức ăn, vỏ thuốc thú y và các loại chất rắn khác.
Tác hại từ rác thải nhựa đối với môi trường và con người là vô cùng khủng khiếp:
- Nó phá vỡ chuỗi thức ăn.
- Có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, bởi chất thải nhựa rất khó bị phân huỷ trong môi trường tự nhiên. Một số loại chất nhựa có số năm phân huỷ khác nhau với thời gian rất dài. Khi đốt sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và Fura gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyếnnội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa vàcác dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ,…và đặc biệt, trong một số loại túi nilon có lẫnlưu huỳnh, dầu hỏa nguyên chất khi đốt cháy gặp hơi nước sẽ tạo thành axítSunfuric dưới dạng các cơn mưa axit rất có hại cho phổi.
- Gây tổn thương hệ san hô và giết chết 1.5 triệu động vật từ nhỏ như rùa biển đến lớn như cá voi.
- Nó gây ô nhiễm đất, không khí và nước. Sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tớiđất và nước bởi túi nilon lẫn vào đất sẽ ngăn cản ôxi đi qua đất, gây xói mònđất, làm cho đất bạc màu, không tơi xốp, kém chất dinh dưỡng, từ đó làm chocây trồng chậm tăng trưởng.
- Dọn sạch các khu vực rác thải nhựa khó khăn và tốn kém; gây thiệt hại với hệ sinh thái tới 13 tỷ USD mỗi năm.
Trong Kế hoạch Hành động Quốc gia về Quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm 50% rác thải nhựa đại dương vào năm 2025 và 75% vào năm 2030. Một số biện pháp đã được đưa ra như lệnh cấm sắp được áp đặt đối với việc sản xuất và nhập khẩu túi nylon sử dụng trong nước vào năm 2026 và hầu hết các sản phẩm nhựa dùng một lần vào năm 2031.
Rác thải nhựa là vấn đề lớn mang tính toàn cầu cần phải giải quyết, trong đó có rác thải nhựa trong nông nghiệp, nông thôn chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Vì thế, cần thúc đẩy các giải pháp hành động giảm chất thải nhựa ngành nông nghiệp và khu vực nông thôn một cách có hệ thống, đồng thời, huy động nguồn lực của tất cả các bên nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất, hướng tới phát triển nền sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Năm 2019 Để hiện thực hóa các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về giảm thiểu rác thải nhựa, Hội Nông Dân tỉnh Ninh Bình đã tổ chức gắn biển “ Điểm bán hàng hạn chế sử dụng túi nilon” tại cửa hàng nông sản an toàn Sông Vân, tp Ninh Bình và chính thức phát động phong trào “ Nông dân Ninh Bình nói không với túi nilon và đồ nhựa dùng một lần” Và kết quả thật vui mừng khi tràn ngập chuỗi các cửa hàng do Hội nông dân thành lập là hình ảnh dùng lá chuối lá rong để gói bọc rau củ thay vì túi nylon. Bản thân tôi cũng đã có thói quen dùng túi xách vải để đi chợ hàng tuần thay vì sử dụng túi nylon. Các quán cafe đã chuyển sang sử dụng ly giấy, ống hút cỏ bàng để thay thế ly và ống hút nhựa. Đó chỉ là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy cuộc cách mạng xanh đã lan tới Việt Nam. Và toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ và người dân, doanh nghiệp đã cùng chung ý chí xây dựng một cuộc sống xanh, tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển bền vững; trong đó việc giảm thiểu rác thải nhựa là một bước đi tất yếu trong xu thế chung của toàn cầu.
Để tiếp tục hiện thực hóa các chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ về giảm thiểu rác thải nhựa, Hội Nông Dân tỉnh Ninh Bình đã xây dựng Đề án “Tuyên truyền, Vận động Nông dân hạn chế sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần” giai đoạn 2023-2027 nhằm chuyển biến nhận thức thành hành động của các cấp hội, cá nhân – hộ gia đình hội viên nhằm chung tay cùng cả nước từng bước giảm thiểu rác thải nhựa, xây dựng cuộc sống xanh ở khu vực nông thôn, sản xuất sạch trong nông nghiệp; qua đó còn góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín, chất lượng của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, hình ảnh hội viên nông dân Việt Nam trong thời đại mới đồng hành với xu thế phát triển bền vững của toàn cầu.
Ngọc Hà