Banner2021
15:48 EDT Thứ hai, 16/09/2024
Rss

Trang nhất » Hệ thống-Văn bản

  ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 63 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI NÔNG DÂN GIẢI PHÓNG MIỀN NAM (21/4/1961 - 21/4/2024)

Trích yếu ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 63 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI NÔNG DÂN GIẢI PHÓNG MIỀN NAM (21/4/1961 - 21/4/2024)
Số kí hiệu 11
Ngày ban hành N/A
Ngày bắt đầu hiệu lực N/A
Ngày hết hiệu lực N/A
Thể loại Văn bản hành chính
Lĩnh vực Văn bản TW hội Nông dân Việt Nam
Cơ quan ban hành Trung Ương hội Nông dân Việt Nam
Người ký N/A

Nội dung

ĐỀ CƯƠNG
TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM  63 NĂM NGÀY THÀNH LẬP
HỘI NÔNG DÂN GIẢI PHÓNG MIỀN NAM (21/4/1961 - 21/4/2024)
--------
 
1. Bối cảnh phong trào đấu tranh của nông dân miền Nam và thành lập Hội Nông dân giải phóng miền Nam
Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơneve về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương được ký kết, đất nước tạm thời chia thành hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau để hai năm sau tổ chức hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Nhưng đế quốc Mỹ âm mưu kéo dài chiến tranh ở Đông Dương, tìm cách phá hoại việc thi hành hiệp định Giơnevơ, chúng hất cẳng Pháp và tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhằm tiêu diệt phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam, thôn tính miền Nam, chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và là căn cứ quân sự của Mỹ nhằm lập phòng tuyến ngăn chặn sự phát triển của Chủ nghĩa xã hội.
Để thực hiện chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ thiết lập ở miền Nam chế độ bù nhìn Ngô Đình Diệm, một chế độ độc tài phát xít tàn bạo, chúng liên tiếp gây ra các vụ tàn sát đẫm máu, điển hình như: Ở Chợ Được, đập Vĩnh Trinh (Quảng Nam, ngày 4/9/1954), Chí Thạnh (Phú Yên, ngày 7/9/1954), Mỏ Cày (Bến Tre, ngày 13/9/1954); đầu độc Nhà lao Phú lợi (Bình Dương) ngày 1-12-1958 chúng giết hại hơn 1000 cán bộ, chiến sĩ cách mạng và thương dân vô tội khác, hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng, đè bẹp ý chí chiến đấu vì độc lập dân tộc của nhân dân ta.
Cùng với việc thi hành chính sách “tố cộng, diệt cộng” nhằm triệt phá cơ sở cách mạng khắp các địa bàn nông thôn miền Nam, Mỹ - Diệm còn âm mưu phục hồi giai cấp địa chủ, bày trò cải cách điền địa, ban bố Đạo Dụ (Đạo luật) số 2; số 7 và số 57 để lừa bịp nông dân, nhằm bần cùng hóa nông dân, đưa nông dân trở lại cuộc đời nô lệ làm thuê cho bọn địa chủ, tước đoạt thành quả về ruộng đất mà cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mang lại cho nông dân; đi đôi với kế hoạch lập “Khu dinh điền”,  Mỹ - Diệm còn thành lập “khu trù mật” ở các vùng từ Tây Nguyên đến vùng đồng bằng Nam bộ nhằm bình định nông thôn, khống chế nông dân, theo phương châm “tách cá khỏi nước” nhằm cắt đứt mối liên hệ giữa nông dân với Đảng. Trước tình hình đó, tổ chức Hội nông dân cũng chuyển hướng họat động dưới hình thức tương trợ, vạn vần đổi công để tiếp tục lãnh đạo nông dân và tìm mọi cách bắt liên lạc với tổ chức Đảng, che dấu, bảo vệ đảng viên và cán bộ; Đồng thời, không cam chịu cảnh “cá chậu chim lồng”, nông dân miền Nam tiếp tục vùng lên chống lại các chính sách phản động của Mỹ - Diệm bằng các cuộc đấu tranh từ công khai bất hợp pháp và hợp pháp, từ đấu tranh chính trị đến dùng bạo lực nhằm phá thế bao vây, kìm kẹp của địch và diệt địch liên tiếp nổ ra khắp miền Nam, chống lại chế độ bù nhìn, tay sai Ngô Đình Diệm đòi thực hiện các điều khoản trong Hiệp định Giơnevơ, chống khủng bố, trả thù người kháng chiến; yêu cầu bải bỏ các Đạo Dụ phục hồi giai cấp địa chủ cướp bóc ruộng đất của nông dân.
Trước khí thế sục sôi cách mạng của nhân dân miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm công bố Luật 10/59, Mỹ - Diệm đã lê máy chém khủng bố man rợ khắp miền Nam. Nông dân khắp miền Nam đã vùng lên đập tan từng mảng chính quyền cơ sở của địch, như nông dân miền Tây Nam bộ đánh chiếm Đồn Vàm Cái Tàu (Sông Đốc – Cà Mau); Ở miền Trung – Tây Nguyên phong trào vót chông diệt giặc của đồng bào các dân tộc đã làm cho kẻ thù khiếp sợ; cuộc nổi dậy của hơn 5000 nông dân Raglai, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) phá khu tập trung Bà Râu - Tầm Ngân sau đó nơi đây trở thành chiến khu cách mạng; làng Ông Tía (Quảng Nam); xã Trà Quang, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi); ở Hướng Hóa (Quảng Trị) là địa bàn bị địch kìm kẹp nhất nhưng hơn 500 nông dân các dân tộc Vân Kiều, Tà Ôi, Pa Cô đã  tập hợp chống lại địch và hô vang lời thề với Đảng đoàn kết một lòng theo cách mạng đấu tranh chống lại Mỹ - Diệm cho đến thắng lợi cuối cùng và các cuộc nổi dậy cướp chính quyền của nông dân xã: Thường Phú, Thường Thới Hậu, Thường Lạc – huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp); xã Đức Lập và xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa (Long An); cuộc khởi nghĩa của nông dân An Biên (Kiên Giang) Rùm Đuôn (Tây Ninh) Long Mỹ - Phụng Hiệp (Hậu Giang)…cũng giành thắng lợi.
Đáp ứng yêu cầu của cách mạng miền Nam, trên cơ sở Đề cương cách mạng miền Nam của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn, tháng 01/1959 Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) đã đề ra nhiệm vụ cho cách mạng miền Nam, cụ thể là: Nhiệm vụ cơ bản là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Nhiệm vụ trước mắt là đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ, thành lập một chính quyền liên hợp dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc và các quyền tự do dân chủ, cải thiện đời sống của nhân dân, giữ vững hoà bình, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, tích cực góp phần bảo vệ hoà bình ở Đông Nam á và thế giới. Hội nghị đã xác định đường lối cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Phương pháp đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp, kết hợp chặt chẽ 3 vùng: đô thị, đồng bằng và rừng núi. Trên tinh thần đó, Hội nghị xác định phải thành lập một mặt trận rộng rãi ở miền Nam nhằm tập hợp tất cả các lực lượng chống đế quốc, phong kiến và bè lũ tay sai.
Thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, từ giới tuyến 17 đến mũi Cà Mau ngọn lửa đấu tranh cách mạng được bùng lên như “Thác trào, bão cuốn” mở ra cao trào “Đồng khởi” của nhân dân miền Nam, thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng ở tất cả các địa bàn cả nông thôn và thành thị. Điển hình, đêm 16 rạng ngày 17/1/1960, dưới sự lãnh đạo của Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre, nông dân các huyện Minh Tân, Thạnh Phú, Mõ Cày đồng khởi diệt ác, trừ gian giành quyền làm chủ và nhanh chóng lan rộng trong phạm vi toàn tỉnh, sau đó lan ra trong toàn miền Nam. Tính đến cuối năm 1960, qua hai đợt đồng khởi, quân và dân miền Nam đã làm tan rã về cơ bản cơ cấu chính quyền của địch ở nông thôn. Trong tổng số 2.627 xã ở miền Nam, nhân dân đã lập chính quyền tự quản ở 1.383 xã, số còn lại căn cứ của địch hầu hết đã bị tê liệt. Ở Tây Nguyên và vùng rừng núi khu V, ngụy quyền cơ sở đã bị quét sạch. Kế hoạch lập “khu trù mật” của địch đã bị phá sản, chính sách “cải cách điền địa” của địch đã bị thất bại thảm hại, 2/3 ruộng đất của nông dân bị Mỹ - Diệm cướp đã trở về tay nông dân làm chủ. Uy thế của cách mạng được cũng cố và nâng cao hơn bao giờ hết. Thắng lợi của Phong trào Đồng khởi đã chứng minh sức mạnh quật khởi của giai cấp nông dân miền Nam, đội quân chủ lực trong cách mạng giải phóng dân tộc.
Trước thắng lợi to lớn của phong trào Đồng khởi, ngày 20/12/1960, Đại hội Đại biểu quốc dân miền Nam được tổ chức tại căn cứ Tây Ninh, tuyên bố thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Dưới sự  lãnh đạo của Đảng và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, ngày 21/4/1961, Hội Nông dân giải phóng miền Nam chính thức được thành lập và trở thành thành viên của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Sự ra đời của Hội là mốc son lịch sử, đánh dấu sự phát triển của tổ chức nông dân miền Nam mà trên thực tế đã có hàng nghìn cơ sở nông hội cứu quốc ở các khu, tỉnh, huyện, xã được phục hồi trong thời gian đồng khởi. Tại miền Trung, cũng trong ngày 21-4-1961, Hội Nông dân giải phóng miền Trung – Tây Nguyên được thành lập tại Chiến khu Đỗ Xá, Nước Oa, Trà Tân, Trà Mỹ, Quảng Nam.
Sau khi thành lập, Hội Nông dân giải phóng miền Nam đã tuyên bố tán thành nội dung Tuyên ngôn và Chương trình hành động 10 điểm của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu giải phóng dân tộc, hòa bình thống nhất đất nước và thực hiện các quyền dân sinh, dân chủ. Đồng thời, Hội nhấn mạnh trách nhiệm của nông dân miền Nam trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước và tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng.
2. Xây dựng tổ chức Hội Nông dân giải phóng miền Nam vững mạnh, làm nòng cốt trong các phong trào ở nông thôn.
Qua phong trào Đồng khởi của nông dân (1954-1960), tổ chức Hội Nông dân giải phóng miền Nam đã phát triển nhanh chóng, làm nòng cốt trên các mặt trận đấu tranh cách mạng. Trước thắng lợi liên tiếp của quân và dân miền Nam, tháng 5/1961 với bản chất hiếu chiến, Sen Đầm quốc tế, Tổng Thống Mỹ KEN-NƠ-DI quyết định thi hành “chiến lược chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam (giai đoạn 1961-1965) chúng dùng quân đội Sài gòn làm lực lượng chủ yếu do Mỹ cung cấp vũ khí, tài chính và chỉ huy bằng hệ thống cố vấn quân sự, chúng kết hợp 3 biện pháp chiến lược cơ bản: Tìm diệt bộ đội cộng sản, triệt tiêu cơ sở cách mạng và phong tỏa biên giới trên đất liền, vùng biển và kết hợp chiến tranh phá hoại miền Bắc. Trong đó đế quốc Mỹ xem “Bình định nông thôn” là mục tiêu chủ yếu  và là biện pháp trung tâm trong suốt cuộc chiến tranh, Mỹ - Diệm đẩy mạnh “chiến tranh đặc biệt” thực hiện quốc sách “ấp chiến lược” dồn dân lập ấp với âm mưu “tát nước, bắt cá”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và ngọn cờ của Mặt trận dân tộc Giải Phóng miền Nam, cán bộ, chiến sĩ nông dân miền Nam không sợ gian khổ, hy sinh quyết bám trụ giữ làng, vùng lên chống giặc với khẩu hiệu “Một tấc không đi, một ly không rời” phá thế bao vây kìm kẹp của địch, tiến hành đốt phá “ấp chiến lược” tự giải phóng nông thôn, thành lập chính quyền tự quản. Mặt khác kết hợp với lực lượng vũ trang cách mạng tổ chức kháng chiến, với những đòn tiến công mạnh mẽ vào sào nguyệt của địch như chiến thắng: Ấp Bắc (Tiền Giang); Chiến khu D (Đồng Nai; Dầm Dơi, Cái Nước (Cà Mau); Lộc Ninh (Bình Dương); Hiệp Hòa, Đức Huệ (Long An); Bình Giã (Bà Rịa - Vũng Tàu); Đồng Xoài (Bình Phước); Tua Hai (Tây Ninh) v.v…đã làm cho kế hoạch “bình định” của địch bị phá vỡ, “chiến tranh đặc biệt” bị thất bại, tuyệt đại đa số bộ phận nông thôn đã được giải phóng, Hội Nông dân đã thực hiện việc chuyển ruộng đất về cho nông dân.
Đến năm 1965, “Chiến lược chiến tranh đặc biệt” của Mỹ bị thất bại thảm hại, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, áp dụng “chiến lược chiến tranh cục bộ” chúng huy động ồ ạt khoảng 3 triệu lượt quân viễn chinh trực tiếp xâm lược, đánh phá miền Nam Việt Nam, mà đỉnh cao là thời kỳ 1968 -1969 chúng đưa 683.000 quân Mỹ tham chiến với môt lượng khổng lồ vũ khí, tài chính và kỹ thuật hiện đại nhất vào chiến tranhViệt Nam.
 Trước tình hình địch đánh phá ác liệt, tổ chức Hội Nông dân giải phóng miền Nam có bị xáo trộn, việc tập hợp sinh hoạt có nhiều khó khăn, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, tình hình ổn định hơn, cơ sở Hội lại tiếp tục được củng cố và phát triển. Số hội viên không ngừng được tăng lên. Mặc dù trong hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn nhưng một số địa phương đã biết kết hợp các mặt công tác kháng chiến để phát triển hội viên. Có nơi huy động nông dân đi “dân công hỏa tuyến” tiếp lương, tải đạn phục vụ chiến trường, hoặc vận động nông dân đấu tranh 3 mũi giáp công (chính trị, binh vận, vũ trang) kết hợp bồi dưỡng phát triển, như vậy vừa đảm bảo công tác kháng chiến luôn được đẩy mạnh vừa phát triển lực lượng Hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng.
*Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tháng 01/1965, Đại hội thứ nhất Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam đã được tổ chức. Đại hội đã đánh giá tình hình hoạt động của Hội từ khi được thành lập và quán triệt yêu cầu, nhiệm vụ mới của nông dân trong đấu tranh chống kế hoạch “bình định”, “gom dân lập ấp” của địch. Đại hội đã biểu dương những thành tích to lớn của nông dân miền Nam trong việc phát triển thế trận chiến tranh du kích, đánh địch bảo vệ vùng giải phóng, vùng căn cứ và là lực lượng chủ yếu trên mặt trận sản xuất, đảm bảo đời sống và cung cấp sức người, của cải cho nhu cầu tại chỗ. Lúc này bộ máy tổ chức của Hội đã hình thành theo 5 cấp: miền, khu, tỉnh, huyện và xã. Xã là tổ chức cơ sở của Hội ở xã, có Ban Chấp hành Hội cấp xã, dưới thôn, ấp có Ban cán sự thôn, ấp và tiểu tổ Hội. Bộ máy của Hội được củng cố ở tất cả các cấp từ xã lên huyện, tỉnh và khu. Ngày 30-6-1965 Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam đã ban hành Dự thảo Điều lệ hoạt động của Hội nhằm tiếp tục mở rộng hoạt động của các cấp Hội cơ sở, phát triển hội viên và động viên nông dân phát huy vai trò tích cực của mình trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Thực hiện chủ trương chuyển hướng của Đảng, lấy địa bàn nông thôn làm hướng tấn công chính, đánh mạnh vào kế hoạch bình định cấp tốc của địch, Hội Nông dân giải phóng đã chủ động giáo dục hội viên, nông dân khắc phục tư tưởng nôn nóng muốn thắng nhanh, đồng thời vạch rõ nhiệm vụ quan trọng nhất ở nông thôn là giành dân, lấn đất, phát triển thế và lực của ta, đánh địch bằng hai chân, ba mũi giáp công. Nông dân liên tục nổi dậy mở thêm nhiều vùng giải phóng, nối các vùng giải phóng thành thế liên hoàn nhiều xã, nhiều huyện hình thành vành đai diệt Mỹ nổi tiếng như: Củ Chi Đất (Gia Định), Điện Bàn (Quảng Nam). Đến cuối năm 1966- 1967, quân và dân miền Nam đã bẻ gãy và làm thất bại kế hoạch chiến dịch mùa khô lần thứ II với 5 mũi tên xanh, 2 gọng kìm của Mỹ bằng trận càn XÊ-ĐA-PHÔNL vào Củ Chi (Gia Định), Bến Súc, Bến Cát (Bình Dương) và đặc biệt là trận càn GIAN-XƠN-XI-TY vào chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh) nhằm triệt hạ căn cứ cách mạng vùng Tam giác sắc và căn cứ Trung ương Cục Miền Nam. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và ngọn cờ Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam, chiến dịch tổng công kích mùa xuân Mậu Thân năm 1968 được phát động, hàng triệu nông dân ở các vùng nông thôn xuống đường bao vây tiến công đánh địch trên tất cả các chiến trường từ nông thôn đến thành thị làm cho đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài gòn từng bước sụp đổ, góp phần giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược Xuân Mậu Thân 1968.
Trước sự thất bại nặng nề của quân Viễn chinh Mỹ và chính quyền Sài gòn, ngày 3/4/1968 buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào đàm phán với Việt Nam tại Pari về chấm dứt ném bom miền Bắc; đồng thời, Tổng thống Mỹ Giôn Xơn tuyên bố không ra tranh cử nhiệm kỳ II. Như vậy Mỹ đã chính thức thừa nhận sự thất bại của “chiến lược chiến tranh cục bộ”. Nhưng với bản chất hiếu chiến, tàn bạo và ngoan cố đế quốc Mỹ không cam chịu thất bại, cuối năm 1969 chúng chuyển sang thi hành “học thuyết Ních-Xơn” và “chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh” tức dùng “người Việt giết người Việt” xem đây là cuộc chiến tranh của người Việt Nam với nhau để lừa bịp cuộc đấu tranh của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình ở Việt Nam. Mặt khác Mỹ tăng cường “chiến tranh đặc biệt” ở Lào, mở rộng chiến tranh sang Căm –Pu -Chia. Trong thời gian này Mỹ sử dụng tối đa về quân sự, kết hợp với những thủ đoạn chính trị - ngoại giao hết sức xảo quyệt nhằm giành lại thế mạnh, để cô lập và bóp nghẹt cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
*Tháng 01/1969, Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ hai. Dự Đại hội có hơn hơn 100 đại biểu nông dân các địa phương trong toàn miền về dự. Đại hội đã nghe Ban Chấp hành Nông hội toàn miền báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất và bản dự thảo nhiệm vụ trong thời gian tới; nghe báo cáo chuyên đề về công tác chính trị tư tưởng, công tác tổ chức Hội, báo cáo kết quả thi hành chính sách ruộng đất của Mặt trận, về công tác lãnh đạo sản xuất nông nghiệp, về phong trào vần công, đổi công trong nông dân. Đại hội nhiệt liệt hoan nghênh và đánh giá rất cao thành tích chiến đấu, phục vụ chiến đấu và xây dựng đoàn thể của nông dân toàn miền. Những thành tích đó đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của toàn dân tộc ta. Căn cứ vào nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, Đại hội đã đề ra nhiệm vụ chung cho thời gian tới là: “Động viên cán bộ hội viên và toàn thể nông dân nâng cao quyết tâm đạp bằng gian khổ, hy sinh, khẩn trương xốc tới trước mắt và đập tan kế hoạch bình định cấp tốc của địch; đẩy mạnh tấn công địch bằng võ trang, chính trị, binh vận, diệt ác phá kìm, giải phóng vùng nông thôn còn bị địch kìm kẹp; củng cố vững chắc vùng giải phóng về mọi mặt, vận động nông dân đóng góp sức người, sức của phục vụ tiền tuyến đi đôi với chăm lo bồi dưỡng sức dân kiên quyết giành thắng lợi to lớn hơn, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Yêu cầu nhiệm vụ công tác của Hội hiện nay không những vừa đảm bảo nhiệm vụ trước mắt đồng thời phải xây dựng tư tưởng và tổ chức vững mạnh, sẵn sàng đánh thắng địch trong giai đoạn tới, không ngừng đưa cách mạng miền Nam tiến lên làm cho đời sống của nông dân ấm no, hạnh phúc”. Nghị quyết Đại hội đề ra bốn nội dung công tác lớn của Hội là:
- Tiếp tục vận động nông dân đấu tranh giành quyền làm chủ, bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng.
- Đẩy mạnh nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu, phát triển du kích chiến tranh, đẩy mạnh ba mũi đấu tranh: chính trị, binh vận, vũ trang để phá tan kế hoạch “bình định”, lấn chiếm của địch.
- Giữ quyền làm chủ về ruộng đất, thực hiện các quyền dân sinh, dân chủ, đẩy mạnh sản xuất phục vụ tiền tuyến.
- Đối với vùng tạm chiếm, cần vận động kết nạp từ 20-30% hộ nông dân vào hội, vùng tranh chấp từ 40-50%, vùng mới giải phóng từ 50-60%, vùng giải phóng cũ từ 60-80%.
Đại hội là một sự kiện lớn trong sinh hoạt chính trị của nông dân miền Nam, khẳng định vai trò của tổ chức hội là người tập hợp, vận động, tuyên truyền nông dân thực hiện đúng đường lối kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng ta.
Tháng 1 và tháng 2 -1969, Thường vụ Trung ương Cục ra chỉ thị về đẩy mạnh công tác nông vận, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, tăng cường bồi dưỡng sức dân, động viên cao độ sức người, sức của phục vụ tiền tuyến. Thực hiện chủ trương chuyển hướng của Đảng lấy địa bàn nông thôn làm hướng tiến công chính, đánh mạnh vào kế hoạch “bình định cấp tốc” của địch, giữ đất, giành dân, Đảng bộ miền Nam đã chủ động khắc phục tư tưởng nôn nóng, thoát ly thực tế muốn thắng nhanh, đồng thời vạch rõ nhiệm vụ quan trọng nhất của mặt trận nông thôn là phải “giành dân, giành đất, phát triển thế và lực của ta”. Ở các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, nông dân đã kiên trì bám trụ, diệt ác phá kìm kẹp, giành dân, giữ vững quyền làm chủ ở nông thôn. Trong điều kiện chiến đấu gian khổ, ác liệt, địch đánh phá ác dồn dập nhằm cắt đứt các nguồn vận chuyển tiếp tế giữa các vùng đồng bằng và vùng núi, bịt hết các cửa khẩu giao lưu giữa các vùng để triệt tiêu nguồn vận chuyển lương thực cho bộ đội, song quyết không để địch thực hiện ý đồ thâm độc trên, nông dân trong các vùng căn cứ, vùng giải phóng, vùng giáp ranh… đã tranh thủ bám rừng, bám ruộng, ngày đêm tích cực sản xuất, tạo nguồn cung cấp tại chỗ cho các chiến trường. Ở các tỉnh miền núi Khu V, đồng bào các dân tộc Ê đê, Cà Tu,… đã tham gia các phong trào “nhà nhà trồng sắn”, “người người trồng sắn”, đi tới đâu trồng sắn, trỉa ngô tới đó, để dành từng lon gạo, nhúm muối tiếp tế nuôi bộ đội. Trong năm 1969, nhân dân miền núi và đồng bằng Nam Trung Bộ đã đóng góp 6.000 tấn gạo và 95 triệu đồng nuôi quân. Ngoài ra nhân dân còn mua và vận chuyển được 14.000 tấn gạo vào vùng căn cứ. Nhiểu nơi ở Tây Nguyên đồng bào ăn độn thêm củ rừng để dành tới 80% thóc gạo cho cách mạng.
Ngày 3-4-1970, Thường vụ Trung ương Cục  ra Chỉ thị gửi các cấp, các ngành, các địa phương nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của địch khi ban hành Luật Người cày có ruộng. Ngày 20-7-1971, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam điện chỉ đạo các khu, tỉnh về việc nghiên cứu tình hình mọi mặt của nông dân và nông thôn Nam Bộ, đẩy mạnh phong trào chống phá bình định của địch. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục, Liên khu ủy V, Khu ủy Trị Thiên, Ban Nông vận và Hội Nông dân giải phóng các cấp đã đẩy mạnh phát động các phong trào sản xuất, đóng góp lương thực phục vụ chiến đấu của nhân dân các vùng căn cứ miền núi, vùng giải phóng ở đồng bằng được khôi phục. Ở miền núi, nhân dân Khu V đã trồng hàng chục triệu gốc sắn. Ở đồng bằng, nhân dân phá khu dồn trở về làng cũ khai hoang, phục hóa hàng vạn hécta đất. Nhân dân các tỉnh miền núi, đồng bằng Nam Trung Bộ đóng góp trên 6.000 tấn lúa và bán cho bộ đội 9.000 tấn lương thực.
Từ cuối năm 1971, tình hình nông thôn miền Nam đã có bước phát triển mới và đã vượt qua thời kỳ khó khăn nghiêm trọng nhất. Trên các địa bàn chiến lược của Khu V, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, dưới sự lãnh đạo của các đảng bộ địa phương, quần chúng cách mạng đã gấp rút phát triển các căn cứ hậu cần, tích cực đẩy mạnh sản xuất tại chỗ, chủ yếu là lương thực cho bộ đội ăn no, đánh thắng. Trong các vùng giải phóng, nông dân đã tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính quyền cách mạng để làm tốt các nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu, tham gia bầu cử lại Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cách mạng xã. Để bồi dưỡng sức dân, đặc biệt là giải quyết chính sách ruộng đất cho nông dân, chính quyền cách mạng các cấp và Hội Nông dân giải phóng đã triển khai mạnh mẽ cuộc vận động xây dựng quan hệ sản xuất mới, triệt để thực hiện chính sách giảm tô, giảm tức cho nông dân. Nhờ được tuyên truyền, vận động, giác ngộ đã có từ 70% đến 80% nông dân vùng giải phóng tham gia vào các tổ chức vần công, đổi công, hợp tác sản xuất; đắp hàng chục con đê ngăn nước và hàng trăm km kênh rạch tưới tiêu. Với việc xây dựng quan hệ sản xuất mới, cuộc sống của nông dân trong các vùng giải phóng không ngừng được cải thiện. Các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế được phát triển mạnh. Phong trào “tiếng hát át tiếng bom”, “phong trào ba sạch” được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng, tham gia…
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự hướng dẫn, động viên của Hội Nông dân giải phóng miền Nam, nông dân miền Nam đã vượt qua khó khăn, gian khổ, bám đất giữ làng, giữ vững sản xuất, thực hiện khẩu hiệu "hầm tốt hơn nhà tốt", "biến nhà thành công sự, biến đồng ruộng thành trận địa", ngụy trang cho trâu bò, đào công sự tránh bom pháo ở ngoài đồng, bố trí lực lượng canh gác ngày đêm,.. đã xuất nhiều gương nông dân chiến đấu dũng cảm kiên cường giữ đất, giữ làng. Trong lúc nguồn nhân lực quan trọng trong sản xuất nông nghiệp ở nông thôn làm nam giới phải cầm súng trực tiếp ra tiền tuyến thì ở hậu phương – nông thôn, lực lượng sản xuất chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già, đã thể hiện vai trò thay thế nam giới trong công việc đồng áng. Tinh thần tương trợ trong nông dân lúc này đã thể hiện rất rõ trong sản xuất và đời sống. Mặc dù bị địch khủng bố ác liệt nhưng những vạn vần, đổi công vẫn phát triển mạnh mẽ trong nông dân ở nông thôn, trở thành chỗ dựa, nơi che dấu cán bộ, du kích...
Trong cuộc đấu tranh chung, phong trào đấu tranh của nông dân luôn được sự động viên, hỗ trợ của các tầng lớp nhân dân đô thị, và ngược lại, phong trào đấu tranh ở các vùng nông thôn miền Nam đã ảnh hưởng trực tiếp tới phong trào đấu tranh của nhân dân thành thị, lôi cuốn, cổ vũ và trực tiếp hỗ trợ phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân đô thị. Sức mạnh của sự đoàn kết thống nhất của dân tộc, không phân biệt tôn giáo, từ miền núi, trung du tới đồng bằng, ven biển một lòng một dạ cùng nhau chống kẻ thù chung, đã góp phần to lớn hoàn thành sự  nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Là tổ chức chính trị của nông dân miền Nam, Hội Nông dân giải phóng miền Nam đã không ngừng phát triển tổ chức cơ sở của mình, nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu trong vận động, tổ chức nông dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam trong nhiệm vụ chiến đấu và thực hiện chính sách ruộng đất, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới… thực hiện trọn vẹn vai trò, chức năng của một tổ chức quần chúng, đáp ứng yêu cầu của cách mạng đặt ra.
Những kinh nghiệm hoạt động phong phú của các cấp Hội Nông dân giải phóng miền Nam và những hy sinh to lớn của nông dân miền Nam và cán bộ Hội trong suốt cuộc kháng chiến đã góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của cả dân tộc, đồng thời cũng khẳng định vị trí, vai trò to lớn của tổ chức Hội đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam.
*
*     *
Kỷ niệm 63 năm Ngày thành lập Hội Nông dân giải phóng miền Nam là dịp để cán bộ, hội viên, nông dân cùng nhân dân cả nước ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của tổ chức Hội và giai cấp nông dân Việt Nam; cổ vũ, động viên cán bộ, hội viên, nông dân ra sức thi đua, phát huy vai trò, trách nhiệm của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đai, nông dân văn minh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hòa bình, thịnh vượng./.